Cách bảo quản đậu đỗ hạt hay các thực phẩm khô được lâu nhât
Người Ý không tạo ra hạt cà phê nhưng chính họ đã sáng tạo nên những cách pha chế cà phê ngon nhất thế giới, tiêu biểu là espresso và cappuccino. Nếu espresso mang vị đậm đà, đánh thức tinh thần thì một tách cappuccino sẽ mang tất cả những gì ngọt ngào nhất mà cà phê có thể truyền tải tới người uống.
Cà phê Cappuccino
Cappuccino bao gồm ba phần đều nhau: cà phê espresso pha với lượng nước gấp đôi thông thường (espresso lungo), sữa nóng và sữa sủi bọt. Để hoàn thiện khẩu vị, người ta thường rải lên trên tách cà phê cappuccino là bột ca cao hay bột quế. Trong các quán cà phê ở Ý, người đứng bán ở bar (barista) thường dùng khuôn hay dùng thìa và bằng cách khuấy điệu nghệ trong lúc rắc bột để tạo thành các hình nghệ thuật.
Tên gọi cappuccino có gốc từ là capucin, nói về bộ quần áo màu nâu đặc trưng cho dòng tư khất sĩ Franciscan khá giống với màu cà phê. Cappuccino trước kia được pha cùng sô cô la đặc nóng và kem tươi.
Phiên bản cappuccino chúng ta biết đến ngày nay được giới thiệu lần đầu tiên vào thế kỉ 20. Chiếc máy pha cappuccino đầu tiên được phát minh bởi Luigi Bezzera tại Milan năm 1901. Sự ra đời của chiếc máy đã khiến quy trình chế biến cappuccino trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phải mất tới 50 năm để từ cappuccino trở nên thông dụng trong ngôn ngữ Anh. Những tài liệu đầu tiên có ghi chép về cappuccino được tìm thấy vào khoảng năm 1948. Cho đến những năm 1950, Cappuccino đã trở thành một trong những loại thức uống phổ biến trên toàn thế giới.
Dù mức độ nổi tiếng của loại cà phê ngọt ngào này đến nay không ai còn có thể phủ nhận, nhưng tại quê hương Italy, cappuccino lại không được sử dụng sau 11 giờ sáng. Người Ý tin rằng uống cà phê sau bữa ăn sẽ cản trở khả năng tiêu hóa thức ăn của cơ thể nên họ chỉ thường dùng Cappuccino để bổ sung hương vị cho bữa sáng đủ đầy.
Có một loại thức uống cũng đến từ Ý rất dễ bị nhầm lẫn với cappuccino là latte. Latte và cappuccino có thành phần cơ bản giống nhau: café espresso, sữa nóng và bọt sữa. Tuy nhiên lượng sữa và bọt sữa trong tách Cappucino là khá tương đồng. Còn với latte, lượng bọt sữa chỉ xấp xỉ một nửa lượng sữa, nên latte kém “bồng bềnh” hơn so với cappuccino.
Trang trí trên mặt tách cà phê ngày nay đã được nâng tầm lên thành một khuynh hướng thẩm mỹ nghệ thuật. Nó được gọi tên latte art- nghệ thuật vẽ trên cà phê. Khoảng trống trên mặt tách latte hay cappuccino, các nhân viên pha chế đều có thể thỏa sức sáng tạo nên những hình vẽ tuyệt vời. Trên bề mặt nâu sánh, những lớp trang trí từ sữa hình trái tim, hoa tulip, cây dương xỉ… hiện lên mượt mà, tinh tế và ngọt ngào.
Latte art được nhiều người trân trọng như một nghệ thuật pha chế cocktail hoàn hảo. Những hình vẽ trên mặt tách cappuccino sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cảm giác và hương vị của toàn bộ tách cà phê. Phần sữa trang trí có quá nhiều bóng khí hay quá nhiều/ít bọt đều là thảm họa với một tách latte. Để đạt tới sự hoàn mĩ và thành công, các barista đã phải mất thời gian học hỏi và tích lũy kinh nghiệm rất dài. Quan trọng hơn, họ phải thật sự yêu cà phê, và yêu nghệ thuật pha chế loại thức uống được ưa chuộng nhất thế giới.
Bằng hương vị ngọt ngào và nghệ thuật sáng tạo hoàn mĩ , những tách cà phê phủ bọt sữa mịn màng đã mang niềm tự hào nước Ý phổ biến tới toàn thế giới. Ngày nay, bất kì góc nào tại một thành phố xa hoa hay nhộn nhịp bạn cũng có thể bắt gặp một cửa hàng cappuccino. Quả thật, người Ý đã thực hiện rất tốt việc trung hòa vị đắng cùa cà phê với vị ngọt ngào của sữa, đồng thời tạo nên một môn nghệ thuật trang trí khiến không ít người đam mê.